Tác động của dân chủ Dân_chủ

Ổn định chính trị

Vì hệ thống dân chủ cho phép công chúng có quyền tước bỏ giới cầm quyền mà không cần thay đổi căn bản luật pháp của chính thể, nó làm cho công dân tin rằng họ có thể bất đồng với chính sách hiện thời, nhưng sẽ luôn có cơ hội thay đổi giới cầm quyền, hoặc thay đổi chính sách. Điều này có thể giảm bớt những bất trắc và bất an chính trị hơn là thay đổi chính trị bằng bạo động. Phe đề xướng dân chủ cho rằng bằng chứng theo thống kê rõ ràng chứng tỏ là càng nhiều dân chủ thì càng ít bạo động nội bộ và diệt chủng (democide). Điều này thường được gọi là Luật Rummel, rằng người dân càng ít tự do dân chủ thì càng dễ bị giới cai trị giết chết.

Tham nhũng

Các nước mới chuyển đổi sang nền dân chủ sẽ bùng nổ tình trạng tham nhũng nhưng những nước có nền dân chủ vững chắc lại ít tham nhũng. Những điều kiện chính trị ban đầu và thành tựu dân chủ đạt được sẽ quyết định mức độ tham nhũng ở một quốc gia.[29] Dân chủ càng cao thì càng ít tham nhũng nhưng tiềm năng chống tham nhũng của nền dân chủ phụ thuộc nhiều điều kiện khác nhau chứ không đơn thuần là sự tồn tại của cạnh tranh chính trị thông qua hệ thống bầu cử đã đủ để làm giảm tham nhũng[30].

Hiệu quả bộ máy nhà nước

Điều kiện tiên quyết để có nền dân chủ ổn định là phải có bộ máy nhà nước có hiệu quả. Nếu thiếu điều kiện này thì nền dân chủ không thể tự tạo ra bộ máy nhà nước hiệu quả. Nền dân chủ cần một bộ máy nhà nước hiệu quả hơn bất cứ chế độ chính trị nào khác bởi vì nó cho phép nhiều lực lượng xã hội tham gia cạnh tranh chính trị. Một chế độ độc tài có thể tồn tại không cần đến bộ máy nhà nước hiệu quả nhưng nền dân chủ chỉ có thể tồn tại khi có một nhà nước hiệu quả. Cuối cùng chế độ dân chủ buông lỏng việc kiểm soát xã hội do đó có thể dẫn đến ly khai, sự thiếu tôn trọng hoặc mong đợi quá mức của dân chúng đối với nhà nước hoặc dẫn đến tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ. Hơn nữa mong muốn đòi quyền bình đẳng lớn hơn sẽ khiến những sắc tộc, tôn giáo, cộng đồng, khu vực, tầng lớp... vốn dĩ mờ nhạt nổi lên và có động lực để phản kháng.[31] Dân chủ không có khả năng tạo ra bộ máy nhà nước hiệu quả nhưng nó cho phép người dân loại bỏ những chính phủ thiếu hiệu quả mà không cần dùng đến vũ lực. Friedrich Hayek nhận xét "Dân chủ đã chứng tỏ rằng nó không phải là một công cụ chắc chắn chống lại sự chuyên chế và độc tài như từng được hy vọng. Tuy nhiên, với vai trò như một công ước cho phép bất kỳ đa số nào cũng có quyền loại bỏ một chính phủ mà mình không ưa, dân chủ có một giá trị không thể đo đếm được[32]". Trong chế độ dân chủ, nhà nước có khả năng hoạch định và thực thi chính sách càng cao thì mức độ dân chủ càng cao[33]. Những nước có bộ máy nhà nước có khả năng đồng hóa, điều chỉnh và điều khiển xã hội cao hơn sẽ có mức độ dân chủ cao hơn. Điều này không liên quan đến những yếu tố địa lý và kinh tế. Khả năng thu ngân sách và tái phân phối thu nhập không liên quan đến mức độ dân chủ nhưng là điều kiện cơ bản quyết định mức độ tham gia của dân chúng vào nền dân chủ.[34] Nền dân chủ với bộ máy nhà nước có hiệu quả có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cơ bản tốt hơn những nền dân chủ có bộ máy nhà nước thiếu năng lực. Nghĩa là khả năng phục vụ xã hội tùy thuộc hiệu quả của bộ máy nhà nước hơn là hình thức nhà nước.[35]

Kinh tế

Những nước có Tổng sản phẩm quốc nội trên mỗi đầu người và Chỉ số phát triển con người (human development index) càng cao, và chỉ số nghèo càng thấp thì thường có nền dân chủ. Kinh tế gia nổi tiếng Amartya Sen ghi nhận là chưa có một chế độ dân chủ thực sự đã từng bị nạn đói lớn, kể cả những nước dân chủ vốn không giàu có suốt lịch sử, như Ấn Độ[36]. Tuy nhiên, một số quốc gia như Liên Xô (thời Stalin), Trung Quốc, Hàn Quốc (thời Park Chung Hee), Đài Loan (thời Tưởng Kinh Quốc) đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế thần kỳ dưới sự lãnh đạo của các nhà nước bị phương Tây xem là thiếu dân chủ trong khi đó nhiều quốc gia có nền dân chủ chưa bao giờ đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian dài để trở thành cường quốc kinh tế. Nghiên cứu của Matthew A. Baum và David A. Lake cho thấy dân chủ không có tác động trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế nhưng làm tăng tuổi thọ ở nước nghèo và tăng giáo dục trung học ở những nước không nghèo[37].

Không phải ai cũng đồng ý dân chủ thúc đẩy sự giàu có. Có người cho là hầu hết chứng cứ lại đưa đến kết luận là chính nhờ phát triển kinh tế làm dân giàu có hơn đưa đến dân chủ hóa. Theo nhà xã hội học Seymour Martin Lipset những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa, trình độ giáo dục cao hơn sẽ dân chủ hơn (định luật Lipset). Đây là những điều kiện tiên quyết của nền dân chủ.[38] Những nghiên cứu khác cũng cho thấy khẳng định của Lipset là đúng vì mức độ dân chủ của một quốc gia sẽ được cải thiện khi thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó tăng lên[22][39][40]. Tuy nhiên dân chủ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác do đó dân chủ hóa cũng có thể diễn ra ở các nước có mức thu nhập thấp còn nước có thu nhập ngày càng cao như Trung Quốc hoặc những nước xuất khẩu dầu mỏ có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới như Brunei, Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait... lại chưa có nền dân chủ theo cách hiểu của phương Tây[23].

Chiến tranh

Tranh biếm họa về chiến tranh Việt Nam, khi người Mỹ nói mang đến dân chủ nhưng thực tế là chết chóc

Lý thuyết dân chủ hoà bình cho rằng chứng cớ thực tế cho thấy là hầu như không bao giờ có chiến tranh giữa các nước dân chủ. Một công trình nghiên cứu về những chiến tranh từ 1816 đến 1991 định nghĩa chiến tranh là khi nào có quân lính đánh nhau làm cho hơn 1000 người chết trận, và định nghĩa dân chủ là khi hơn 2/3 đàn ông có quyền bầu cử. Nghiên cứu này tìm ra 198 cuộc chiến tranh giữa các nước không dân chủ, 155 giữa các nước dân chủ đánh với các nước không dân chủ, và không có chiến tranh nào giữa những nước dân chủ với nhau.[41]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dân_chủ http://www.dwatch.ca http://www.nipissingu.ca/department/history/muhlbe... http://ojs.uac.edu.co/index.php/dimension-empresar... http://the-fear-of-freedom.blogspot.com/2008/11/pl... http://www.conservativeclassics.com/books/libertyb... http://www.economist.com/markets/rankings/displays... http://www.enterstageright.com/archive/articles/01... http://www.gegenstandpunkt.com/english/state/toc.h... http://books.google.com/books?id=6qaSHHMaGVkC http://www.merriam-webster.com/dictionary/democrac...